Hiển thị các bài đăng có nhãn du lịch Chùa Hương. Hiển thị tất cả bài đăng

6 điều cần lưu ý khi đi du lịch Chùa Hương

Chùa Hương là một di tích lịch sử, văn hóa tín ngưỡng nổi tiếng của nước ta, thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Trẩy hội chùa Hương cũng vì thế mà trở thành một nét đẹp trong văn hóa tâm linh truyền thống của người Việt nhất là mỗi dịp đầu xuân.


Du khách đi du lịch chùa Hương không chỉ để cúng lễ, cầu may mà còn để thưởng ngoạn phong cảnh non nước mênh mông, nên thơ của vùng đất Phật. Tuy nhiên, để có một chuyến hành hương về với cõi Phật ý nghĩa, an toàn, du khách cần chú ý những điểm sau:

1. Đi theo nhóm


Du lịch Chùa Hương, du khách nên đi theo nhóm khoảng 5 – 7 người sẽ tốt hơn là đi đơn lẻ 1 – 2 người và trước khi xuất phát bạn cũng nên chủ động đổi tiền lẻ. Trang phục đi lễ chùa cần trang nhã, đứng đắn. Đồng thời để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho chuyến đi, du khách nên lựa chọn cáp treo để lên chùa và đi bộ xuống để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vùng non nước. 

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch chùa Hương mùa lễ hội

2. Chủ động đồ cúng lễ


Chuẩn bị đồ cúng lễ rất quan trọng khi đi lễ chùa và tốt nhất là bạn nên chuẩn bị sẵn ở nhà để có thể vừa tiết kiệm tiền bạc, lại vừa chủ động thời gian. Du khách nên mang theo lễ ngọt như vàng, hương, hoa quả, rượu cúng, bánh kẹo cùng tiền lẻ và không nên dâng lễ mặn (gà, xôi, giò,…). Trong trường hợp chưa chuẩn bị trước ở nhà, du khách có thể mua ở khu vực suối Yến. Càng đi sâu vào trong, các hàng bày bán đồ cúng càng nhiều nhưng giá thành khá đắt và thậm chí có thể tăng gấp đôi.

3. Không theo lời “cò” mời chào


Cũng như nhiều khu du lịch khác, ở Chùa Hương có khá nhiều “cò” chuyên câu kéo khách. Do đó, để tránh bị lừa đỏa, chặt chém, du khách nên mua vé tại điểm bán vé của Ban tổ chức đặt ở ngày cổng khu di tích với mức vé 50.000 đồng/người. Khi đi đò, nếu đi 1-2 người, du khách nên đi thẳng đến suối Yến để tìm đò ghép và trước khi xuống đò cũng nên thỏa thuận giá cả rõ ràng với những người ngồi cùng, tránh trường hợp bị tăng tiền hay nhồi nhét thêm người. Đối với tuyến Hương Tích, giá đò hiện tại là 35.000 đồng/người.

4. Cẩn trọng đối với các trò đỏ đen, dịch vụ bói toán và trộm cắp


Mặc dù các lực lượng chức năng đã dẹp bỏ nhưng những sới bạc đỏ đen vẫn tiếp tục tái diễn mỗi mùa lễ hội. Với các thủ đoạn lôi kéo, rất nhiều du khách đi du lịch Chùa Hương đã bị hấp dẫn và rồi mất tiền oan bởi các trò bịp bợm. Ở khu vực chùa, tại suối Giải Oan cũng xuất hiện khá nhiều người coi bói dạo và du khách không nên tin tưởng đẻ tránh ảnh hưởng tới hành trình cúng lễ. Đồng thời, do mỗi mùa lễ hội chùa Hương lại tập trung rất đông người nên nhiều đối tượng đã lợi dụng điều này để tranh thủ móc trộm ví, điện thoại của du khách nên mọi người cần hết sức cẩn thận và cảnh giác để bảo vệ tài sản của mình.

5. Hỏi giá và mặc cả trước khi mua đồ


Để tránh trường hợp mua hàng hóa bị “đội” giá lên gấp nhiều lần, trước khi quyết định mua bất kỳ một món hàng nào du khách cũng nên hỏi rõ giá cả. Một số đặc sản ở chùa Hương như rau sắng hay mơ rừng sẽ có giá hợp lý hơn so với nơi khác nếu mua ở gần suối Yến.

Xem thêm: Làng hoa Tân Quy Đông Sa Đéc mùa đón Tết

6. Gọi vào đường dây nóng nếu gặp sự cố


Để đảm bảo cho các du khách khi đi du lịch tại chùa Hương, ban tổ chức lễ hội đã công khai số điện thoại đường dây nóng – 0912558905 để tất cả các du khách có thể liên lạc khi gặp phải trường hợp “chặt chém” hay bất kỳ vấn đề đối với các dịch vụ khi tham gia lễ hội. Đồng thời, tại nhiều điểm tham quan cũng có các chốt công an để có thể đảm bảo an toàn cho du khách.


Theo dulichkhatvongviet