Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch Miền Trung. Hiển thị tất cả bài đăng

Quy Nhơn - Điểm du lịch mới được khai phá 2017

Đến với Bình Định là một tỉnh ven biển miền Trung, nổi tiếng là nơi sản sinh ra những người con anh hùng cùng với những thế võ cổ truyền độc đáo. Quy Nhơn là thành phố trung tâm của tỉnh Bình Định – một nơi “thiên thời địa lợi” với nhiều cảnh quan đẹp và một nền ẩm thực đặc biệt. Bài viết này sẽ trả lời cho câu hỏi du lịch Quy Nhơn có gì hấp dẫn để giúp du khách có thêm nhiều thông tin hữu ích trước khi đến thành phố này.

Xem thêm : Kinh nghiệm du lịch Bình Định

Mỗi buổi sáng người dân và du khách nơi này thường thức dậy sớm để đắm mình trong làn nước mát mẻ, sau đó ngắm nhìn những tia nắng đầu tiên xuất hiện trong ngày. Đây còn là một trong những địa điểm chụp ảnh đẹp ở Quy Nhơn khiến khá nhiều du khách mê mẩn và ngẩn ngơ.

Bán đảo Phương Mai


Bán đảo Phương Mai nằm ở phía Đông của đầm Thị Nại với vẻ đẹp kì vĩ của những dãy núi đá nhấp nhô. Phía Nam của bán đảo được gọi là đảo Yến bởi chim Yến thường kéo về nơi đây để làm tổ, đây là một trong những nguồn thu nhập chính của người dân sinh sống ở đây. Mặc dù được các dãy núi hiểm trở bao bọc nhưng rìa chân núi có những thung lũng rộng được hình thành và là nơi sinh sống của người dân.

Bãi Bàu


Đi trên quốc lộ 1A khoảng 20 km, Bãi Bàu là một trong số các bãi biển hấp dẫn khách du lịch nhất. Làn nước trong vắt đến nỗi mà bạn có thể nhìn thấy cá bơi theo từng đàn ngay dưới chân mình khi bạn ngâm mình ở đây. Dọc theo bãi cát dài có những căn chòi đựng dựng lên để cho du khách nghỉ ngơi và tận hưởng làn gió mát rượi từ biển.
Bạn có thể tham khảo thêm kinh nghiệm du lịch bụi Quy Nhơn để có chuyến phượt thú vị nhất.

Chùa Long Khánh


Long Khánh là một ngôi chùa lớn nằm ở trung tâm thành phố Quy Nhơn. Vào những ngày mồng 1 hoặc Rằm thì đây là nơi sinh hoạt của các Phật tử và là điểm tham quan du lịch hấp dẫn dành cho du khách khi đến với thành phố này. Nếu có cơ hội du lịch Quy Nhơn 4 ngày 3 đêm thì bạn nên tham quan hết tất thảy các ngôi chùa ở thành phố này, đảm bảo mỗi ngôi chùa sẽ mang lại cho các bạn một cảm giác khó tả khác nhau.

Tháp Đôi


Là một khu tháp của Chăm Pa gồm 2 tòa tháp: tháp phía Bắc và tháp phía Nam. Dưới chân Tháp phía Bắc là những tảnh đá lớn khổng lồ như một đài sen bao bọc toàn bộ tháp, đầu tường nhô ra tạo nên bộ diềm mái lớn và bốn góc được tạc bốn thần điểu Garuda. Ngôi tháp phía Nam thì nhỏ hơn và hư hại nhiều hơn so với tháp phía Bắc nhưng cách trang trí thì khá giống nhau.

Không thể bỏ qua suối khoáng Hội Vân



Cách thành phố khoảng 50 km, suối khoáng Hội Vân nằm ở huyện Phù Cát và là một nguồn nước nóng được khai thác để chữa bệnh tại Việt Nam. Mạch nước nóng trong hồ phun lên ùng ục như một chảo nước lớn đang sôi. Hơi nước bốc lên tạo nên những làn khói khiến cho cảnh vật xung quanh mờ mờ ảo ảo. Hồ nước nóng được bao bọc giữa bãi cát trắng mịn, là nơi phơi nắng lí tưởng dành cho du khách.

Khu du lịch Ghềnh Ráng


Đã đến Quy Nhơn, chắc chắn đây sẽ là địa điểm mà nhiều du khách lựa chọn đi tham quan đầu tiên bởi nó nằm trong thành phố và gắn liền với sự phát triển của thành phố. Không những thế còn là nơi mà thi sĩ Hàn Mặc Tử đã dừng chân nơi cuối đời – một thi nhân với nhiều hoài bão lớn lao. Tại đây còn có một bãi tắm tuyệt đẹp như cái tên của nó – bãi tắm Hoàng Hậu với làn nước trong xanh ngắt.

ICISE


Trung tâm khoa học quốc tế và giáo dục liên ngành được khánh thành vào giữa năm 2013 và được kiến trúc sư người Pháp Jean Francois Milou thiết kế. ICISE có nhiều nhà hội nghị, hội trường, hội thảo và văn phòng phục vụ cho mục đích học tập và nghiên cứu. Tòa nhà nổi bật giữa không gian xanh thoáng đãng, phía trước ICISE được tiếp giáp với bãi biển vì vậy không khí lúc nào cũng mát mẻ.

Ngày xuân tìm về nghệ thuật trống trận Tây Sơn

Quê hương Bình Định có bề dày truyền thống văn hóa, là cái nôi của nghệ thuật dân gian bài chòi, tuồng, võ Tây Sơn. Gắn với những loại hình độc đáo, giàu bản sắc này là “trống trận Tây Sơn”, một loại nhạc khí đã trở thành biểu tượng văn hóa của đất Võ. 

Xem thêm : Vietravel Quy Nhơn góp phần phát triển du lịch văn hóa Bình Định

Từ nhiều năm qua, đội nhạc võ ở Bảo tàng Quang Trung biểu diễn bản khí nhạc mang tên “Trống trận Quang Trung”, được cấu trúc thành 3 hồi: Xuất quân, Xung trận- Phá thành và Khải hoàn ca. 


Từ Lễ hội kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa vào năm 1989, đã xuất hiện tên gọi “Trống trận Tây Sơn” trên các phương tiện thông tin đại chúng. So với những tên gọi khác về bộ trống 12 chiếc này, thì gọi trống trận Tây Sơn có sức thu phục hơn cả, bởi bao hàm được cả xuất xứ, tính năng, diễn xướng trong nhạc lễ, lễ hội, trong việc luyện võ, trận mạc. Có thể hiểu rằng, trống trận Tây Sơn vừa là tên của bộ 12 trống, trống võ, vừa là tên của dàn nhạc võ. Đây cũng là tên của tác phẩm khí nhạc nổi tiếng ca ngợi cuộc hành quân thần tốc của Quang Trung - Nguyễn Huệ giải phóng thành Thăng Longvào mùa Xuân Kỷ Dậu 1789. 


Trống trận Tây Sơn có liên quan mật thiết, tương đồng với nhạc tuồng, bài chòi về các mặt: tính năng, kỹ thuật diễn tấu, biên chế dàn nhạc, âm hưởng nhạc điệu. Hầu hết trống trong các dàn nhạc của 3 loại hình nghệ thuật trên đều là trống chiến, nhưng khác nhau về số lượng trống và cách sắp xếp. Về biên chế dàn nhạc, các nhạc cụ trong dàn nhạc trống trận Tây Sơn đều có mặt trong dàn nhạc tuồng, chỉ khác trong nhạc tuồng không phải dùng cồng mà là chiêng. Còn trong dàn nhạc bài chòi, ngoài trống chầu và trống chiến, nhị, còn có thêm nguyệt, song loan, sáo, bầu. Về mặt âm hưởng nhạc điệu, các hồi trong tác phẩm khí nhạc trống trận Quang Trung đều lấy, mang âm hưởng từ các bài bản trong nhạc tuồng. Hồi Xuất quân có sử dụng khổ Trống khách, hồi Xung trận- Phá thành sử dụng bài trống Tẩu mã, còn hồi Khải hoàn ca mang âm hưởng của bài trống Ba bảy.


Trống là một nhạc cụ quan trọng trong bộ gõ, chủ yếu giữ nhịp cho dàn nhạc. Lâu nay, nhiều người nghĩ rằng, trống không có giai điệu, thế mà ở trống trận Tây Sơn, giai điệu rất rõ nét. Tiến hành khảo cứu bộ 12 trống đang được trình tấu tại Bảo tàng Quang Trung, chúng tôi thấy âm vực của trống (khoảng giữa âm thanh thấp nhất và âm thanh cao nhất) là một quãng tám rưỡi (dung sai nửa cung). Theo thứ tự, trống có kích thước lớn nhất đến nhỏ nhất, chênh lệch nhau từ nửa cung đến một cung rưỡi. Sự chênh lệch cao độ như trên, là một yếu tố tạo nên những giai điệu, tiết tấu độc đáo của trống trận Tây Sơn, có thể trình tấu bản nhạc ở bất kỳ điệu thức 5 âm nào, có chênh một vài cô ma lại càng hay.



Ra đời từ nhạc lễ, võ trống, đượm hào khí Tây Sơn, trống trận Tây Sơn chiết được những nét tinh túy nhạc tuồng, gần gũi với nhạc bài chòi, cùng với những tính năng, kỹ thuật diễn tấu độc đáo, được sử dụng với tần suất cao phục vụ đông đảo người dân, du khách, tham gia nhiều lễ hội trong và ngoài tỉnh. Trống trận Tây Sơn vì thế đã trở thành một biểu tượng văn hóa của Bình Định… 

Quảng Bình – du lịch vườn thực vật Phong Nha, trải nghiệm mới cho du khách.

Vườn thực vật Phong Nha có nhiều dòng suối, những thác nước đan xen lẫn nhau giống như cảnh quan của một Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng phiên bản được thu nhỏ, hấp dẫn đây sẽ là điểm trải nghiệm mới cho những du khách ưa khám phá.


Nằm giữa lòng của khu vực trung tâm của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, vườn thực vật là điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách khi đến Quảng Bình. Đây sẽ là điểm nhấn tuyệt đẹp trong hành trình khám phá hệ thống rừng nguyên sinh với hệ động, thực vật đa dạng, rất quý hiếm, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.



Vườn thực vật Phong Nha có 6 điểm tham quan chính, bao gồm: hồ Vàng Anh, Thác gió, Nhà trưng bày mẫu vật, đường mòn diễn giải, vườn ươm cây giống và phân khu các rừng cây quý. Đến với vườn thực vật du khách còn được tìm hiểu công việc của những cán bộ nghiên cứu và cứu hộ động, thực vật ở đây





Với hình thức du lịch sinh thái kết hợp diễn giải môi trường, vườn thực vật hứa hẹn không chỉ đem đến sự trải nghiệm thú vị cho du khách mà còn góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.

Món bún làm từ bắp chỉ có ở Phú Yên

Một tô Bún bắp nấu cùng giò heo nghi ngút khói, hay bún bắp ốc ngon mắt có hương vị không hế giống với bất kỳ món bún gạo nào. Bún bắp là nguyên liệu được làm khá công phu, chỉ có ở vùng Tuy An.

Xem thêm : Nhớ miền Trung nhớ bánh hỏi



Món bún bắp ốc ở Đầm Ô Loan là nét văn hóa ẩm thực không thể thiếu của người dân Tuy An. 

Trước tiên là khâu giã bắp. Một mẻ vừa cối chừng 5 kg bắp khô được giã chung với trấu. Vừa giã vừa sàng sảy sao cho bắp nát đều, thành những hạt nhỏ được gọi là gạo bắp, sàng loại bỏ cám mày, sau đó đem gạo bắp ngâm nước trong 30 phút, rồi vớt ra ủ một ngày một đêm cho lên men chua. 

Gạo bắp sau khi ủ được cho ra nia phun nước giữ ẩm, để ba ngày sau mới đem ngâm nước thêm một ngày để loại mùi chua trước khi đưa vào cối quết thành bột. Khi đó bột bắp được nén thành khối rồi cắt ra luộc lại khoảng 15 phút, sau đó cho vào máy xay nhuyễn lần cuối. Thêm một lần nhồi bột lại với nước ấm, đưa qua máy đùn sợi, sợi bún rớt xuống nồi nước sôi đến khi chín thì nổi lên mặt nước. Người làm nhanh tay vớt ra bắt thành lọn.


Bún bắp có màu vàng tươi của bắp, thơm và ngọt nơi đầu lưỡi khi ăn. 

Một mẻ bún như vậy cần 6-7 ngày để hoàn thành. Sợi bún màu vàng tươi, mềm mại, khi ăn có vị ngọt vừa đủ, thường được chế biến thành bún bắp giò heo, xào lòng heo hay ăn cùng canh chua cá bống.

Trước đây bún bắp được nhiều gia đình người dân ở Xã An Dân làm, hiện nay chỉ còn duy nhất lò bún bắp đang được khôi phục và thu hút du khách. Bạn có thể đến lò bà Chín mua bún bắp mang về với giá 30.000 đồng một kg, ghé quán Kent Bi ở thị trấn Chí Thạnh thưởng thức các món bún bắp ốc, bún bắp xào lòng heo.


Bún bắp xào lòng heo dân dã mà hút khách ở Tuy An.