Ngày xuân tìm về nghệ thuật trống trận Tây Sơn
Quê hương Bình
Định có bề dày truyền thống văn hóa, là cái nôi của nghệ thuật dân
gian bài chòi, tuồng, võ Tây Sơn. Gắn với những loại hình độc đáo, giàu bản sắc
này là “trống trận Tây Sơn”, một loại nhạc khí đã trở thành biểu tượng văn hóa
của đất Võ.
Xem thêm : Vietravel
Quy Nhơn góp phần phát triển du lịch văn hóa Bình Định
Từ nhiều năm qua, đội nhạc võ
ở Bảo tàng Quang Trung biểu diễn bản khí nhạc mang tên
“Trống trận Quang Trung”, được cấu trúc thành 3 hồi: Xuất quân, Xung trận- Phá
thành và Khải hoàn ca.
Từ Lễ hội kỷ niệm 200 năm chiến thắng
Ngọc Hồi- Đống Đa vào năm 1989, đã xuất hiện tên gọi “Trống trận Tây Sơn” trên
các phương tiện thông tin đại chúng. So với những tên gọi khác về bộ trống 12
chiếc này, thì gọi trống trận Tây Sơn có sức thu phục hơn cả, bởi bao hàm được
cả xuất xứ, tính năng, diễn xướng trong nhạc lễ, lễ hội, trong việc luyện võ,
trận mạc. Có thể hiểu rằng, trống trận Tây Sơn vừa là tên của bộ 12 trống, trống
võ, vừa là tên của dàn nhạc võ. Đây cũng là tên của tác phẩm khí nhạc nổi tiếng
ca ngợi cuộc hành quân thần tốc của Quang Trung - Nguyễn Huệ giải phóng thành
Thăng Longvào mùa Xuân Kỷ Dậu 1789.
Trống trận Tây Sơn có liên quan mật
thiết, tương đồng với nhạc tuồng, bài chòi về các mặt: tính năng, kỹ thuật diễn
tấu, biên chế dàn nhạc, âm hưởng nhạc điệu. Hầu hết trống trong các dàn nhạc của
3 loại hình nghệ thuật trên đều là trống chiến, nhưng khác nhau về số lượng
trống và cách sắp xếp. Về biên chế dàn nhạc, các nhạc cụ trong dàn nhạc trống
trận Tây Sơn đều có mặt trong dàn nhạc tuồng, chỉ khác trong nhạc tuồng không
phải dùng cồng mà là chiêng. Còn trong dàn nhạc bài chòi, ngoài trống chầu và
trống chiến, nhị, còn có thêm nguyệt, song loan, sáo, bầu. Về mặt âm hưởng nhạc
điệu, các hồi trong tác phẩm khí nhạc trống trận Quang Trung đều lấy, mang âm
hưởng từ các bài bản trong nhạc tuồng. Hồi Xuất quân có sử dụng khổ Trống khách,
hồi Xung trận- Phá thành sử dụng bài trống Tẩu mã, còn hồi Khải hoàn ca mang âm
hưởng của bài trống Ba bảy.
Trống là một nhạc cụ quan trọng trong
bộ gõ, chủ yếu giữ nhịp cho dàn nhạc. Lâu nay, nhiều người nghĩ rằng, trống
không có giai điệu, thế mà ở trống trận Tây Sơn, giai điệu rất rõ nét. Tiến hành
khảo cứu bộ 12 trống đang được trình tấu tại Bảo tàng Quang Trung, chúng tôi
thấy âm vực của trống (khoảng giữa âm thanh thấp nhất và âm thanh cao nhất) là
một quãng tám rưỡi (dung sai nửa cung). Theo thứ tự, trống có kích thước lớn
nhất đến nhỏ nhất, chênh lệch nhau từ nửa cung đến một cung rưỡi. Sự chênh lệch
cao độ như trên, là một yếu tố tạo nên những giai điệu, tiết tấu độc đáo của
trống trận Tây Sơn, có thể trình tấu bản nhạc ở bất kỳ điệu thức 5 âm nào, có
chênh một vài cô ma lại càng hay.
Ra đời từ nhạc lễ, võ trống, đượm hào
khí Tây Sơn, trống trận Tây Sơn chiết được những nét tinh túy nhạc tuồng, gần
gũi với nhạc bài chòi, cùng với những tính năng, kỹ thuật diễn tấu độc đáo, được
sử dụng với tần suất cao phục vụ đông đảo người dân, du khách, tham gia nhiều lễ
hội trong và ngoài tỉnh. Trống trận Tây Sơn vì thế đã trở thành một biểu tượng
văn hóa của Bình Định…